Vấn đề Trương Thiên cần giải quyết chỉ còn lại vấn đề đóng kín chai sữa.
Chai sữa thống nhất đóng bằng nút gỗ, nguyên liệu đơn giản dễ kiếm, có thể tái sử dụng, nhược điểm là sản phẩm bằng gỗ dễ bị mốc do ẩm, không đạt được độ kín hoàn hảo.
DTV
Việc không đậy kín hoàn toàn sẽ làm cho sữa bên trong tràn ra ngoài trong quá trình vận chuyển, đồng thời cũng khiến vi khuẩn bên ngoài xâm nhập vào, làm cho hạn sử dụng của sữa rút ngắn lại.
Bây giờ thời tiết lạnh thì không sao, nhưng khi trời nóng sẽ nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi, người tiêu dùng phàn nàn rằng mang sữa về để một lúc là đã có mùi.
Mặc dù đối phương không nói phải bồi thường một chai mới, nhưng Trương Thiên hiểu rõ việc này bắt buộc phải giải quyết triệt để.
Để giải quyết vấn đề này, cô lại một lần nữa đi tìm chị Chu ở trạm sữa để hỏi ý kiến.
Miệng chai sữa ở trạm sữa được bịt kín bằng một miếng giấy gói dày hình tròn, dù có úp ngược chai thì sữa cũng không hề chảy ra ngoài.
Cách đóng kín chai bằng phương pháp chân không này còn có thể kéo dài thời gian sử dụng ở một mức độ nhất định, giữ được hương vị của sữa tươi, tránh lãng phí.
Đây chính là những gì mà Trương Thiên cần.
Mà để làm được phương pháp đóng kín này thì phải sử dụng máy đóng nút chai.
Cô đã hỏi anh Hai Trương Hồng Văn, xưởng cơ khí không có kĩ thuật này.
Và theo như anh ấy tìm hiểu thì ở trên thành phố cũng không có.
Nếu muốn biết, chỉ có thể hỏi những người ở trạm sữa.
Vì thế, cô đặc biệt mời chị Chu đến ăn cơm tại tiệm cơm quốc doanh.
“Chị đã nhờ người nghe ngóng rồi, chiếc máy đóng nút chai đó là máy hút chân không bán tự động, chuyên dùng để đóng nút chai thủy tinh.”
Chị Chu ngồi đối diện Trương Thiên, hứng thú bừng bừng nói:
Trương Thiên hỏi luôn:
“Chị có biết chiếc máy ở trạm sữa được mua ở đâu không ạ?”
Đây mới là điều quan trọng nhất!
Chị Chu gật đầu, nhìn quanh, sau đó mới ghé sát lại thì thầm:
“Là trưởng trạm nhờ người mang về từ xưởng cơ khí bên Ma Đô(*) đấy, nghe nói đã phải tiêu tốn rất nhiều tiền!”
(*) Ma Đô là tên cũ của Thượng Hải
Bấy giờ chị ấy cũng mới biết, hóa ra chiếc máy đóng nút chai ở trạm sữa lại đắt đến thế!
Giá của một chiếc máy đóng chai tương đương với hai chiếc xe đạp thương hiệu nổi tiếng.
Vừa nghĩ tới đây, chị Chu không nhịn được mà tặc lưỡi.
Trương Thiên trầm ngâm, xưởng cơ khí ở Ma Đô sao?
Khóe môi cô nở một nụ cười nhiệt tình, nhìn chị Chu nói:
“Chị Chu, chị có nghe ngóng được đó là xưởng cơ khí nào không ạ?”
Ở Ma Đô có rất nhiều xưởng cơ khí, nếu tìm kiếm từng nơi một thì sẽ rất mất thời gian.
Chị Chu gật đầu.
“Hình như tên là xưởng cơ khí Bảo Kê.”
Bảo Kê?
Trương Thiên nhớ kỹ cái tên này trong đầu.
Lúc này món ăn của họ cũng đã làm xong, được nhân viên bưng lên.
Để cảm ơn sự giúp đỡ của chị Chu, Trương Thiên đã gọi vài món ăn đặc sản, cô ăn không nhiều, hầu hết đều là chị Chu ăn, cuối cùng trên đĩa chỉ còn sót lại một ít, được chị ấy gói lại mang về.
Muốn phát triển lâu dài thì phải mua được máy đóng nút chai, đã biết địa điểm cụ thể thì những việc còn lại sẽ dễ xử lý hơn nhiều.
Để bịt kín miệng chai thì ngoài máy đóng nút chai ra, còn cần một thứ vô cùng quan trọng nữa, đó chính là giấy gói!
Loại giấy dùng để gói kín chai thủy tinh chứ không phải loại giấy thông thường.
Trước hết giấy gói phải có độ cứng, chất liệu cũng có yêu cầu nhất định.
Muốn mua được loại giấy này thì phải tới xưởng giấy ở trên huyện thành.
Trương Thiên đã quá quen thuộc với loại lưu trình này, cô nhanh chóng tìm được người phụ trách ở xưởng giấy, hỏi thăm giá cả của giấy gói miệng chai, cuối cùng quyết định mua với giá 2 hào 500 tờ.
Hôm đó cô mua 2.000 tờ mang về nhà, tuy không có máy đóng nút chai nhưng có thể thử bôi hồ lên miệng chai trước, sau đó dán giấy gói lên, có thể đạt được trạng thái bịt kín trong thời gian ngắn.