Yes Chef!

Chương 5: Não cá vàng



Một sự thật mắc cười là Châu có trí nhớ rất ‘cá vàng’. Tuy nói cô có thể ghi nhớ rất tốt những chi tiết nhỏ và nhớ nó, nhưng những thứ cô nhớ lại toàn được người ta xếp vào hàng ngũ vô dụng! Trong khi đó, những thứ quan trọng hơn như tên đường, địa chỉ nhà, hay tên họ, cô lại cực kỳ kém.

Lần đầu tiên Châu biết mình có não cá vàng là năm lớp ba. Khi ấy trường cô thông lệ hằng năm sẽ chụp hình kỷ yếu cả lớp để làm kỷ niệm. Năm lớp một và lớp hai mọi thứ vẫn diễn ra bình thường, không có gì đáng nói. Không biết vì lý do gì, năm lớp ba nhà trường chỉ phát mỗi hình tập thể, mà đáng lý như mọi năm mặt sau phải có tên danh sách học sinh trong lớp. Giáo viên chủ nhiệm nói rằng bọn cô lớp ba đã lớn, có thể tự ghi tên bạn học của mình. Cả lớp đều không có ý kiến, chỉ duy nhất một mình Châu giơ tay lên thắc mắc: “Nếu không nhớ tên thì ghi thế nào ạ?” Giáo viên cô cũng tương đối dễ tính nên bảo: “Không nhớ thì hỏi bạn kế bên…” Châu nghe vậy, cũng gật gù tán thành, nhưng chưa kịp quay sang hỏi đứa kế bên đã bị lời tiếp theo của giáo viên chủ nhiệm ‘đâm xuyên tim’: “Nhưng tôi nghĩ học với nhau hết cả năm trời, không thể nhớ hết họ cũng phải biết tên nhau chứ nhỉ!”

Châu chính là không biết tên ai trong lớp trừ thằng bạn ngồi kế bên. Kết quả, đứa ngồi kế bên cũng rất tốt bụng, dành ra cả buổi chiều đọc cả họ lẫn tên tất cả bốn mươi học sinh trong lớp. (Di: cả họ lẫn tên? Châu *gật đầu*: cả họ lẫn tên. Di *chấm mồ hôi*: Đứa trẻ này quả thật quá thần thánh. Vì sao lúc đó cậu không nhờ tên ấy chia sẽ bớt chất xám? Thật là lãng phí tài nguyên quốc gia!)

Bạn học cùng bàn: Người này là Nguyễn Hữu Nghĩa

Bạn học Châu nắn nót viết: Nguyễn – Hữu – Nghĩa

Bạn cùng bàn: Người này là Lê Thu Trang

Bạn học Châu: Lê – Thu – Trang… Ý hai người này đứng gần nhau sẽ thành cái nghĩa trang rồi!

Bạn cùng bàn: Nguyên một năm trời hai đứa tụi nó bị gán ghép với nhau vì lý do này, cả lớp ai cũng biết, chỉ duy nhất mình bà thôi đó. Rốt cuộc cả năm nay bà ở đâu vậy?

Bạn học Châu: Ủa, vậy hả? Ờ ờ…vậy còn người này? (Di: khả năng đánh trống lãng thì ra đã được rèn luyện từ nhỏ)

Bạn cùng bàn: Nguyễn Đức Vũ Trường.

Bạn học Châu suy nghĩ “Cái tên thật đặc biệt!”: Nguyễn – Đức – V…

Bạn cùng bàn: Nè nè, bà viết vậy thiệt hả?

Bạn học Châu: Thì ông đọc sao tui viết vậy mà! Không phải sao?

Bạn cùng bàn lau mồ hôi hột: Thằng đó tên là Nguyễn Đức Trường Vũ. Cả lớp một năm nay chọc nó, gọi là Vũ Trường.

Bạn học Châu gật gù: À, thì ra là thế! Không sao, không sao, chữ “V” tui chưa kịp viết vẫn có thể viết lại.

Bạn cùng bàn mặt than “Ý tui đâu phải như vậy!”, sau đó hoảng sợ chỉ tay vào mặt một đứa trẻ đứng hàng hai, gương mặt tròn tròn mũm mĩm rất dễ thương: Này, bà có biết đứa này tên gì không?

Bạn học Châu: Đừng giỡn chứ, người này là ông mà! Tất nhiên tui biết mà!

Bạn cùng bàn: Vậy tui tên gì?

Bạn học Châu: À thì… (Di: không phải chứ, bạn cùng bàn đó!) À thì là Nguyễn Mạnh Thống!

Bạn cùng bàn lau mồ hôi trên trán: Xem ra ít nhất một năm qua hồn bà vẫn thỉnh thoảng quay về lớp!

Đó chính là câu chuyện về năm lớp ba oanh liệt của Châu. Mặc dù sau này khả năng nhớ tên cũng được cải thiện một chút, nhưng so với người bình thường vẫn là rất bất thường! Châu đối với tên đường lại càng thảm hoạ hơn, khả năng định vị phương hướng cũng rất tệ. Hỏi cô món đó đó đặt ở đâu, bản thân đã xác định được vị trí nhưng khi mở miệng ra lại chẳng biết rốt cuộc nó nằm bên phải hay bên trái, mà bên nào là bên phải bên nào là bên trái, cô so với người bình thường cũng chậm hơn vài nhịp. Tuy nhiên Châu rất ít khi bị lạc đường! Điều này có lẽ phải cảm ơn khả năng ghi nhớ chi tiết của cô. Châu tuy không nhớ tên đường nhưng trên đường đó có đặc điểm gì, có hàng quán tên gì cô lại nhớ rất rõ. Vì vậy nếu người bình thường chỉ đường là “Đến đường A gặp ngã tư quẹo phải là đường B, đi 200m là tới nơi” thì cách Châu chỉ đường sẽ là “Đến đường có trạm xăng, quẹo vào đường có quán KFC rồi đi thẳng cho đến khi thấy biển hiệu hớt tóc Thanh Nữ là tới nơi”. Thành thật mà nói trước giờ chỉ có Châu dám chỉ đường cho bản thân mình, chưa ai đủ can đảm dám giao mạng cho con rùa mù đường này cả.

Lại bàn về vấn đề nhớ tên, Châu đã rất chật vật để nhớ tên Việt thì bây giờ cô lại càng phải nổ lực gấp hai gấp ba để nhớ tên tiếng Anh của các nhân viên ở chỗ làm. Tiếng Anh vốn không phải tiếng mẹ đẻ của Châu, dù cô bé có giỏi thế nào, chỉ nghe người ta nói mà chưa nhìn thấy mặt chữ lần nào thì không thể nào nhớ được, trừ những cái tên phổ biến như David, Sam, Alex vốn xuất hiện rất nhiều trên tivi. Đáng thương hơn chỗ làm cô vốn không phải ai cũng là người Anh. Có người là người Ý, có người là người Pháp, thậm chí Hàn, Nhật, Thái Lan hay Ấn Độ cũng có. Cách phát âm và cách đặt tên lại càng khác nhâu. Thật là làm cho cô bé cảm thấy nhức đầu. Vậy nên trừ những người Châu làm việc thường xuyên, những người khác cô bé hầu như không nhớ được ai. Mà người ít gọi tên nhất chính là…bếp trưởng!

Nói ra thì hơi vô lý vì người Châu làm việc nhiều nhất chính là bếp trưởng. Công việc của cô chính là hỗ trợ bếp trưởng mà! Vấn đề ở đây là khi làm việc Châu gọi tất cả các đầu bếp là “chef” không phân biệt bất kỳ ai nên cô hầu như quan tâm người đối diện mình tên gì. Vậy là nữ chính của chúng ta gần một tháng trời làm việc vẫn không biết ông chủ của mình, người cao cao tại thượng được mọi người ngưỡng mộ tên gì!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.