Yêu Anh Đã Hai Mươi Năm

Chương 5



Năm 1996, tôi mười bốn tuổi. Dòng họ Hạ đã có con gái đến tuổi trưởng thành, tôi không leo cây xuống mương nữa, cũng không tranh chấp đấu đá với bọn con trai nữa, ngay cả trò chơi nhảy ô, đá cầu với đám con gái tôi cũng ít tham dự hơn. Tôi trở thành một cô gái đoan trang thùy mị, nhã nhặn điềm tĩnh, thích đọc sách, thành tích học tập của tôi luôn dẫn đầu, các thầy cô giáo bộ môn luôn rất hài lòng, tôi chuẩn bị ghi danh vào trường trung học trọng điểm trong thị trấn. Những người trong thôn luôn dành những lời ca ngợi và nhìn bố mẹ tôi bằng ánh mắt cực kì ngưỡng mộ. Mẹ thì luôn nhìn tôi với ánh mắt dịu dàng, đồng thời, bà cũng thường xuyên càm ràm khe khẽ với bố tôi: “Con bé thay đổi thành như thế từ lúc nào chả biết? Nhìn đâu cũng không còn thấy vẻ con nít giống lúc trước nữa?” Những lúc như thế, bố tôi luôn luôn trả lời rằng: “Thay đổi thành như thế cũng tốt.” Trong giọng điệu của ông lộ rõ vẻ hài lòng, thỏa mãn vô hạn.

Từ một cô bé quậy phá không biết trời cao đất rộng đến một cô gái hiểu chuyện lễ phép, không có ai biết vì sao tôi lại thay đổi như thế, ngay cả mẹ tôi cũng ngạc nhiên. Chỉ có trong lòng tôi mới hiểu rõ, nguyên nhân khiến tôi thay đổi như thế này chính là từ bí mật tận sâu trong đáy lòng tôi, bí mật này có liên quan đến Triển Tường. Không ai có thể hiểu rõ tâm lý của một cô nhóc. Mấy năm đầu tiên, bóng dáng của Triển Tường vẫn chỉ là một hình ảnh mơ mơ hồ hồ, nhưng hình ảnh của anh lại dần dần trở nên đầy đủ theo năm tháng trưởng thành của tôi. Nói cách khác, tôi không thể hình dung chính xác gương mặt hay dáng vẻ của anh, nhưng nếu như anh xuất hiện trong biển người mênh mông, tôi có thể nhìn thấy anh trước nhất.

Sau ngày trở về từ An Huy, ông bà nội tôi dùng thư liên lạc với cô hai ở đất khách quê người phương xa. Mỗi lần nhận được lá thư có chữ “Hoản”(1) ở phía trên, ông nội tôi đều cầm vào cho bố tôi xem. Bố liền lớn tiếng gọi mẹ và chú đến đọc thư. Những lúc như thế, tôi vẫn tiếp tục ung dung làm bài tập, nhưng lỗ tai lại vểnh lên lắng nghe mỗi một âm tiết phát ra từ trong miệng bố tôi. Chỉ là, trong bức thư có rất nhiều chữ viết đó, trước sau tôi vẫn không hề nghe đến cái tên mà tôi muốn nghe nhất.

(1) Hoản -皖: Tên khác của tỉnh An Huy, Trung Quốc.

Bảy năm, từ những lá thư gửi đến đứt quãng, chúng tôi biết được tình trạng cuộc sống của cô hai tôi hiện nay: Thu hoạch lúa chín, sau đó lại thu hoạch vụ mùa thu. Cô hai, chú và những người thân thích trong gia đình cùng chung sống hết sức hòa thuận. Mỗi một phong thư gửi đến, đều là những tin tức vui mừng bình yên của họ.

Ngày qua ngày một cách nhẹ nhàng, một ngày rồi lại một ngày, một năm rồi lại một năm. Trong khoảng thời gian đó, cô có dẫn chú về quê hai lần, ăn vận quần áo mới tinh, mang về những gói quà được bọc giấy màu đỏ, vẻ mặt phấn khởi trò chuyện với cô tám thím bảy ở trong thôn, cô tám thím bảy cũng đến nhà quan sát kĩ lưỡng người chú đến từ phương xa của tôi, cũng bày ra dáng vẻ thương yêu răn đe: “Đứa em gái này của tôi gả đến nơi xa, bên đó cũng không có người nương tựa, có chuyện gì mọi người từ từ thương lượng, nhất định không được để em ấy bị ức hiếp.” Chú tôi cũng khéo léo đáp lời.

Tôi ngượng ngùng gọi chú. Đầu tiên chú rất sửng sốt, sau đó lớn tiếng nói: “Đúng là con gái mười tám thay đổi hẳn, Tiểu Linh Tử càng ngày càng xinh đẹp! Đã cao lên nhiều như vậy à?!” Mặt tôi đỏ lên vì thẹn thùng, nhưng tôi không có ý lảng tránh, tôi cẩn thận lắng nghe bọn họ nói chuyện. Nhưng cuối cùng vẫn thất vọng. Chỉ có một lần, dường như mẹ tôi đột nhiên nhớ đến gì đó rồi hỏi: “Em trai của chú hiện nay làm gì?” Cô hai trả lời qua loa: “Tiểu Tường rất có tương lai!” Chỉ một câu duy nhất đó, đề tài lại bị chuyển sang thu hoạch ruộng lúa và tình hình quê nhà.

Tôi không biết có tương lai là ý gì. Cưới vợ, sinh con, cũng xem như là tương lai rồi. Hoa màu có thu hoạch tốt cũng là tương lai vậy. Hoặc là không phải những điều đó. Tôi thà nghĩ rằng có tương lai của Triển Tường không phải là những điều này.

Tâm bệnh của bà nội tôi lại càng nghiêm trọng hơn, đó là do cô hai tôi vẫn không thể sinh con. Có đôi lúc, bà nội buồn bã ngồi tâm sự với mẹ tôi. Mẹ thì luôn an ủi bà: “Linh nhi bây giờ cũng tốt rồi! Bố mẹ chồng cũng không còn, không cần phải quan tâm nhiều. Tuy rằng bên kia chú còn có hai người anh lớn và một em trai, nhưng mọi người đều ăn cơm cùng một nồi, mọi người cũng sẽ không đến nỗi bắt nạt cô ấy đâu. Chú ấy cũng sẽ hiểu, cô ấy sẽ không bị ức hiếp đâu mẹ.” Dưới sự trấn an của mẹ tôi, bà nội cũng cảm thấy an tâm hơn phần nào.

Cuối cùng tâm bệnh của bà nội cũng tìm được nguồn trị liệu. Khi tôi vất vưởng trải qua một kỳ thi quan trọng, thì đột nhiên nhận được một phong thư của dượng gửi đến, nói rằng cô hai mang thai đã được mười tháng và sắp chuyển dạ. Đây quả là một tin tức khiến mọi người vui vẻ! Trong thư nói vì cô hai đã hơn ba mươi tuổi và lại là con đầu nên cô ấy nghén rất dữ dội, ăn cơm không vào, bên đó người lại không đủ, hy vọng người nhà bên đây có thể qua đó chăm sóc cô hai qua tháng.

Bà nội bị cao huyết áp vẫn phải dựa vào thuốc để khống chế, tuy rằng trong lòng bà vô cùng muốn đi, nhưng lại không thể đường xá xa xôi đến đó để chăm sóc cô hai được, ông nội, bố và chú đều là đàn ông nên không thích hợp. Chỉ có mẹ, mẹ lại rất vui vẻ nhận lời nói rằng lúc này đang không phải mùa vụ nên cũng không phải ra đồng làm việc, đi một tháng hai tháng rồi về.

Lúc tôi biết tin này, trái tim đập mạnh rất lâu, hai gò má ửng đỏ nóng ran, cảm giác mừng rỡ lẫn kinh ngạc trào dâng trong lòng tôi. Tối hôm đó, tôi kề cà không chịu đi ngủ, mẹ nói: “Thi cũng đã thi rồi, thầy giáo nói con nhất định có thể đậu vào trường chuyên nên đừng có đoán mò nữa, đi ngủ đi!”

Ngập ngừng rất lâu, cuối cùng tôi cũng thốt ra miệng, tôi nói tôi muốn đến nhà cô hai với mẹ. Mẹ kinh ngạc nhìn tôi, nói con đi làm gì. Tôi không nói gì, chỉ cố chấp đứng đó không chịu rời đi. Giống như bảy năm trước. Giằng co một lúc cuối cùng mẹ tôi cũng đồng ý. Sau đó bỗng nhiên lại nói một câu: “Không biết trong lòng con bé này đang nghĩ cái gì?”

Tôi biết, ngoan ngoãn bảy năm, kiểu bướng bỉnh này khiến mẹ cảm thấy không được tự nhiên.

Ba ngày sau, tôi và mẹ bước lên chuyến tàu đến Dĩnh Thượng An Huy lần thứ hai.

Triển Tường, em ngồi trên xe, nhìn ra phong cảnh vút qua bên ngoài cửa sổ. Nên diễn tả tâm trạng của em như thế nào đây? Tưởng tượng ra cảnh em đứng trước mặt anh, tay của em nên để ở đâu, em nên nói gì, thậm chí ngay cả lúc gặp anh nên hít thở như thế nào, em đều đã luyện tập nhiều lần rồi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.