Lần nào cũng thế, lần này cũng vậy, Hoài Phong phải mất một lúc khá lâu mới có thể nhận được cái gật đầu đồng ý, cho phép vào trong trường từ phía bác bảo vệ – người vẫn thường được đám học trò gọi vui là “bố Bộ”. Bước chân cậu càng lúc càng nhanh và vồn vã, Hoài Phong thực sự rất nóng lòng muốn chứng kiến cảnh tượng hay ho kia.
Đây rồi, thấy rồi,… hình ảnh cô học sinh mẫu mực Lương Bảo An miệt mài dùng compa cạo sạch những bã kẹo cao su đã bám chặt xuống nền nhà tự mấy năm nay đang hiện lên rõ nét trước mặt cậu! Đối với Hoài Phong mà nói, đây quả đúng là một “cảnh đắt giá trời cho”, nhất định phải ghi lại khoảnh khắc này mới được, mai sau biết đâu cần dùng đến. Nghĩ là làm, Hoài Phong lấy ngay máy điện thoại ra, giơ lên và bắt đầu quay lén những thước phim đáng giá ấy. Giữa trưa, bụng thì đói, trời lại rét, trong trường cũng chẳng còn ai vậy mà An vẫn phải bò lổm cổm ngoài hiên nhà, tay cầm chiếc compa sắt tẩn mẩn cậy từng mảng kẹo một. Thi thoảng nàng ta ngã phịch ra đằng sau một cái, vừa thở hổn hển vừa lẩm bẩm kêu than, nom đến là buồn cười. Hoài Phong đừng nép sau bức tường, cố mím chặt hai bờ môi vào nhau để không phát ra tiếng động.
“Ôi trời, mệt muốn chết… Phong với chả phanh, người gì đâu, chậm chạp hệt con rùa. Đoạn đường ngắn tí teo mà đi mãi không vào tới nơi. Đợi được cậu chắc tớ cạo sạch cả tòa nhà giáo viên này rồi cũng nên…”
Tiếng An than thở khiến Phong dừng, không quay nữa. Cậu cất máy đi, chậm rãi lấy ra một chiếc thước từ trong cặp sách, tiến lại phía An ngồi xuống và ra tay nghĩa hiệp giúp đỡ.
“Đây đây, Phong đây. Mãi mới ‘mua được vé để vào cửa’ đấy ạ.”
An ngẩng mặt lên đã thấy Phong thu lu ngay phía trước, tay cạo cạo và miệng thì banh ra nhăn nhở. Khỏi phải nói, An cảm động đến rơi nước mắt! Con bé hứa hẹn đủ thứ chuyện, nào là chỉ còn một tầng nữa chưa cạo thôi, rồi thì nếu cậu chăm chỉ giúp nó, chốc nữa nó quyết dốc cạn hầu bao, lấp đầy dạ dày cậu,… Nhưng điều mà Phong quan tâm hàng đầu lúc này là lý do gì khiến An đột nhiên yêu trường yêu lớp đến vậy! Cậu muốn biết, An cũng sẵn lòng trả lời.
Số là sáng nay, An và Linh phải lên phòng giáo viên nộp sổ ghi đầu bài, đang đủng đỉnh bước ngoài hành lang của khu nhà, bỗng thấy xa xa trước mắt tờ tiền mệnh giá mười nghìn. Sẵn tiện cả hai đều đang nhai kẹo, đôi bạn quyết rằng nếu ai phun trúng miếng cao su vào tờ tiền, thì nghiễm nhiên sẽ trở thành chủ sở hữu của nó. Kết quả là chẳng ai trúng cả, thê thảm hơn còn bị cô Tổng phụ trách bắt được, phạt hai đứa phải cạo sạch bã kẹo trên nền tòa nhà ba tầng này. Thật là đen đủi, đủi đen! Phong sau khi nghe xong câu chuyện bi đát ấy liền ngã vật ra sàn mà cười một cách mất kiểm soát.
“Có cả Kỳ giúp nữa. Nó phụ trách mấy bậc cầu thang, tớ tầng một, Linh tầng hai. Ba người mà làm mãi chẳng xong. Sớm mai cô kiểm tra rồi.”
Bảo An mếu máo kể lể, đoạn quay sang cầm chặt cổ tay Phong tha thiết nhờ vả.
“Cậu nhất định giúp bọn tớ nhá, không bọn tớ chết chắc đấy.”
Nhận được sự đồng ý của cậu, An mừng quýnh, dang rộng hai rồi ôm chầm lấy cổ cậu. Thường thì Hoài Phong cực ghét bị đụng chạm kiểu này, bất kể đối phương là ai, cậu cũng sẽ đẩy ra ngay tức khắc. Hôm nay lại khác, cậu không cau có, gắt gỏng cũng chẳng có chút phản ứng gì cả. Phong cứ ngồi im vậy, mặc cho An lặp đi lặp lại câu cảm ơn bên tai như một cái máy. Có lẽ vì tâm trạng cậu bây giờ đặc biệt tốt!
Nhưng rồi khung cảnh lãng mạn ấy cũng sớm bị dập tắt. Hoài Phong nghe loáng thoáng đâu đây có mùi nước hoa, thật không sao ưa nổi. Cậu chu mũi lên khịt khịt mấy tiếng, phát hiện mùi hương ấy tỏa ra từ người con bé đang ở sát bên cạnh. Hoài Phong vội vã nhảy ra xa chỗ khác, có vẻ kỳ thị lắm.
“Mày dùng nước hoa đấy hả?”
Bảo An thật thà gật đầu thú nhận luôn. Chị Thủy mới bắt đầu kinh doanh thêm mặt hàng này nên tối qua có nhà tặng An mấy lọ dùng thử. An vừa ngửi đã ưng ngay rồi, sáng nay còn mang cả một balo đầy nước hoa đi chào hàng giúp chị nữa cơ. Ai cũng thích, đến cả thầy cô giáo trong trường cũng khen mùi hương nhẹ nhàng, dùng một chút vào mùa đông cho cảm giác đỡ lạnh cũng được.
Sau khi phải giã từ son môi – tình yêu ngót nghét hai năm trời – mãi An mới tìm được niềm hạnh phúc khác thay thế là những lọ nước hoa quyến rũ chết người này. Ngỡ rằng sẽ được cùng bạn ấy tung tăng khắp nẻo đường góc phố, nào ngờ…
“Tao không thích. Cấm mày dùng.”
Hoài Phong lên tiếng đanh thép, chính thức tuyên án tử cho cuộc tình còn chưa kịp chớm nở của An với nước hoa. Bảo An nghệt mặt bàng hoàng trước hung tin, nước mắt suýt chút nữa là tuôn trào mãnh liệt. Ngày trước kể cho đám Trúc Linh nghe về vụ “bạn đặc biệt”, Linh đã dặn dù có cuồng Phong đến mấy cũng nhất định phải giữ vững lập trường và bảo vệ trọn vẹn niềm vui, sở thích của mình. Nếu cậu ta nói gì cũng nghe theo răm rắp thì sẽ mất giá vô cùng! Bảo An tẩn ngẩn tần ngần hồi lâu, ngẫm lại thấy những lời căn nhắc của Trúc Linh quả thực rất sáng suốt. Phụ huynh và cả thầy cô đều không cấm, cớ sao Phong lại tự cho mình cái quyền quản mọi thú vui của An chứ?! Còn nữa, nguyên cả buổi phải gù lưng cạo cạo cậy cậy, Phong vừa tới chưa giúp đỡ được là bao, đã lên giọng hạnh họe rồi. Thật là đáng ghét! Bảo An quyết tâm vùng lên, “khởi nghĩa”.
“Mặc kệ cậu. Tớ vẫn dùng đấy.”
Khóe môi hơi giật giật, Phong bất động toàn thân trước hành động đáp trả của An. Mọi ngày An ngoan ngoãn lắm, có cãi cũng chỉ tự nói mấy câu yếu ớt trong họng thôi. Hôm nay lại dám đứng bật dậy, chỉ thẳng tay vào mặt cậu mà chống đối với chất giọng hùng hồn đến thế kia mà. Cũng khá là hay ho đấy chứ nhưng dù sao Phong vẫn phải chấn chỉnh lại ngay mới được.
“Hoặc là nó, hoặc là tao. Chọn đi.”
Cứ nói một câu, cậu lại nhấn vào trán An một cái. Đầu An vì thế mà lúc la lúc lắc, hệt mấy chú cún đồ chơi hay được đặt trưng bày trên xe ô tô. Hành động này của Phong xuất phát từ ý muốn trêu đùa cô bạn, nhưng do đang mệt sẵn trong người nên cô bạn ấy cảm thấy khó chịu và bức xúc lắm. An hất mạnh tay cậu ra, nhăn mặt tuyên bố:
“Tớ chẳng thèm cậu nữa. Cậu cút đi.”
Phong biết An bắt đầu nóng máu rồi, bèn xuống nước làm hòa. Nhưng cậu càng cố nhượng bộ, nó càng được đà lấn tới, nhất quyết đuổi cậu đi. Cãi qua cãi lại vài câu, Hoài Phong giận dỗi bỏ đi thật. “Ngửi” thấy có mùi chiến tranh, cả Linh và Kỳ đều tất tả từ tầng trên chạy xuống, tới nơi chỉ thấy mỗi An đang hăng say mắng nhiếc cậu bạn đã ra về từ lúc nào.
*****
Cơn tức dâng trào đốt nóng từng tế bào trong An, buộc con bé phải ngồi một lúc ăn lấy ăn để gần chục cốc kem để hạ hỏa trong một ngày Hà Nội giá buốt. Cô bạn thân và cậu em họ hết lấm lét nhìn An lại khẽ cúi xuống kiểm tra số tiền trong ví, e rằng không đủ để thanh toán cái hóa đơn kia. Cuối cùng Linh phải lên tiếng khuyên nhủ, mong sao có thể kìm bớt con sóng giận dữ đang cuồn cuộn trào dâng trong lòng An, cũng là để hãm lại cái sự nghiệp ăn uống đang trên đà phát triển mạnh mẽ của con bé.
“Phong chẳng quan tâm những đứa con gái khác điệu đà như thế nào nhưng lại suốt ngày săm soi, bắt mày phải làm theo đúng ý lão ấy. Có khi nào Phong đang cố hướng mày theo đúng hình mẫu lý tưởng của lão không?”
Bảo An nghe vậy cũng thấy nguôi ngoai mấy phần. Ngậm cái thìa trong miệng, An thẫn thờ suy nghĩ. Linh cũng có chút ít kinh nghiệm trong những chuyện như thế này, vì vậy lời nói của Linh rất có trọng lượng đối với An. Con bé bắt đầu típ mắt, gương mặt hí hửng lên trông thấy. Linh tâm lý bao nhiêu thì Kỳ lại vô duyên và phũ phàng bấy nhiêu. Cậu ta thổi phù cái niềm hy vọng vừa mới nhe nhói trong tim An bằng giọng nói tỉnh bơ của mình.
“Nhỡ đâu nó ghét bà quá nên cố tình gây khó khăn để bà nản lòng, không chịu được mà tự động rút lui thì sao?”
Nói xong lại thản nhiên thả một muỗng kem vào miệng. Bảo An một lần nữa lâm vào bế tắc, tiếp tục gọi kem và cắm cúi vào đó. Sau câu nói của Kỳ, không chỉ mình An cau có trở lại mà cả Linh cũng không kém phần giận dữ. Cô nàng véo eo Kỳ một lúc khá lâu, làm cho cậu ta phải la lên oai oái, thu hút sự tò mò của biết bao nhiêu thực khách.
Ở một góc khuất trong quán, có người con trai ngồi đó, thong tha nhâm nhi đống kem được gọi theo thực đơn mà An đã chọn, vừa ăn vừa quan sát bộ dạng của An mà cười tí tởn. Xem nào, đây đã là lần thứ ba anh vô tình gặp An rồi. Kể thì cũng có duyên đấy chứ, nhất định anh phải sang bắt chuyện và chính thức làm quen thôi. Anh rút một điếu thuốc ra và hút để lấy tinh thần trước khi bắt tay vào việc, đó là thói quen mới hình thành cách đây không lâu của anh.
Quán nhỏ, cửa lại đóng kín bưng, làn khói thuốc vì thế mà lan ra khắp phòng. Khách trong quán lấy làm khó chịu lắm nhưng lại ngại không dám lên tiếng nhắc nhở, ai cũng chỉ cố đưa tay lên phẩy nhẹ để làn khói xám kia không ám vào áo quần mình. Thường ngày An cũng “mềm” lắm, chẳng bao giờ gây chuyện với ai, hôm nay thì khác, đang sẵn cơn tức, An hét lên một cách vô thức:
“Mùi thuốc à? Ai mà mất lịch sự thế không biết?”
Bị chính đối tượng của mình chê bai, người con trai kia luống cuống dập tắt điếu thuốc rồi vội vàng kéo xụp cái mũ xuống che đi nửa khuôn mặt. Anh sợ An nhìn ra mình, dù rằng anh cũng chẳng chắc liệu con bé có còn nhớ anh là ai không nữa. Anh chủ quán tiến đến bên chàng trai, vỗ vai anh trách móc.
“Ông ơi, quán tôi mới mở mà ông định đuổi hết khách của tôi đi phỏng? Có nhìn thấy cái biển ‘Cấm hút thuốc’ to oành kia không?”
Người con trai cười trừ với anh chủ quán – cũng là bạn thân của mình.
Trót gây ấn tượng xấu rồi, thôi đành để dịp khác vậy.
Nghĩ bụng vậy, người con trai vội đứng lên, đặt mấy tờ tiền trên mặt bàn rồi nhanh chóng cất bước ra ngoài.
*****
Từ tiết đầu tới tiết cuối, tiết nào Hoài Phong cũng gục mặt xuống bàn nhưng không sao ngủ được, vì đầu óc còn bận nghĩ vẩn nghĩ vơ. Trước giờ thấy An “dính” mình như vậy, Phong nghĩ rằng vị trí của mình trong An phải lớn và vững chắc lắm. Ai dè… Bảo An cũng quá đáng lắm chứ, cũng cấm cậu hết thứ nọ tới thứ kia còn gì. Cấm hút thuốc, cẩm chửi tục, cấm bùng học, cấm gây gổ đánh nhau,… và ti tỉ những thứ khác nữa. Dù biết những việc An cấm đoán đều là tốt nhưng dù sao đấy cũng là thói quen đã ngấm vào cậu từ lâu lẩu lầu lâu rồi, để bỏ được chúng đâu phải là dễ dàng, cậu đã phải nỗ lực nhiều cực kỳ nhiều. Đi đâu cùng lũ bạn cũng cố hạn chế nói bậy, thành ra hay bị ngượng mồm. Chúng nó thấy thế thì cười khoái chí lắm, trêu chọc cậu suốt. Suy cho cùng, Phong thấy những điều kiện cậu đặt ra với An cũng hết sức hợp lý. Dùng son môi hay nước hoa gì đấy chỉ tốn tiền, có bổ béo được gì đâu. Vậy mà dám vì chúng mà thẳng thừng đuổi cậu à, hạ thấp lòng tự tôn của cậu như vậy cũng được sao? Được được, An nhất định sẽ phải hối hận.
Hoài Phong vò đầu bứt tai mãi mà tâm trí vẫn tỉnh queo, hôm qua đã thức nguyên đêm nghĩ về việc này rồi, thế mà giờ… Thầy cô vào lớp thấy cậu học trò buổi trước còn hăng say học tập, buổi này đã lại quen lề cũ, trong lòng cũng có thất vọng. Nhắc mãi cậu mà cậu nào có nghe, giáo viên chẳng biết làm gì hơn nữa, đành nén tiếng thở dài và tiếp tục bài giảng.
“Cãi nhau với người yêu hay sao mà khó ở thế cha nội?”
Anh bạn thân ngồi cạnh, tên Trí, lay lay người Phong, cất giọng hỏi han. Hoài Phong chẳng buồn ngẩng dậy, cậu vẫn gục mặt như cũ, tiện tay vớ được quyển vở trên mặt bàn và phang thẳng vào mặt cậu bạn. Trí cũng chẳng vừa, đạp chân Phong một cái đau điếng, rồi lôi gương ra kiểm tra xem liệu gương mặt đẹp trai của mình có bị sứt mẻ gì không!
Tan học, Hoài Phong đạp xe ra đến cổng trường thì dừng lại đôi chút, cố tìm kiếm bóng dáng Bảo An trong dòng người đang đông đúc. Cả buổi cậu cứ đinh ninh rằng con bé chắc giờ hối hận lắm, có khi còn tìm đến tận trường đợi và xin lỗi cậu cơ. Nhưng thì ra không phải, thoáng thất vọng, Hoài Phong tặc lưỡi, nhún vai một cái rồi phóng xe đi thẳng. Nhìn xem, vì An mà cậu phải khổ sở vác xe đi vác xe về mệt nhoài đến hai ngày liền, thật phiền phức, lại tốn tiền gửi xe nữa.
Phong đạp xe đến cổng nhà, thì thấy An đang ngồi vắt vẻo trên chiếc xe điện chờ mình. Lòng tự đắc của cậu dần dâng lên cao, Hoài Phong chẳng nói chẳng rằng vênh mặt phóng xe vào thẳng trong nhà. An đứng ngẩn tò te chỗ cũ, hướng đôi mắt mong chờ vào bên trong. Phong cất xe xong mới bước ra ngoài, hất hàm hỏi An:
“Đến đây làm gì?”
An cười khì khì, đung đưa cánh tay Hoài Phong và bắt đầu bài ca xin lỗi muôn thuở.
“Tớ nghĩ kỹ rồi. Tớ không nên đánh đổi cậu với một thứ tào lao như thế… Huề nhá!”
Hoài Phong nghiêm nghị nhìn trực diện vào bộ dạng đang nhăn nhở của An. Mới có một ngày không gặp, mà trông An tàn tạ quá. Trưa qua sau khi Phong bỏ đi, An cũng mặc kệ hình phạt đang còn dang dở, kéo hai người bạn ra quán ăn kem hạ hỏa. Do đó, sáng nay con bé phải lóc cóc tới trường ngay khi mới năm rưỡi sáng để hoàn thành nốt công việc. Cổ họng còn bị sưng vì số kem khổng lồ đã nuốt hôm qua nữa chứ, cũng vì thế mà mất luôn cả tiếng, khó nhọc lắm mới nói được thành câu. An bị như vậy, Phong lại càng mủi lòng. Cậu nhìn mãi, nhìn mãi mới chầm chậm thốt ra một chữ “Ờ”.
Nhân cái dịp làm lành và cũng đã lỡ đến tận đây rồi, Bảo An quyết chí xin xỏ Hoài Phong một bữa cơm tại gia. Hoài Phong tất nhiên là cương quyết từ chối. Không phải cậu tiếc An mà là vì cậu sợ bà nổi giận.
“Thôi ra ngoài ăn, tao mời.”
“Tớ muốn ăn cơm gia đình cơ. Hơn nữa, xe tớ hết điện rồi, hôm qua quên sạc. Cho vào nhà xin ít điện đi mà.”
Bảo An càng mè nheo, Hoài Phong càng khó xử. Cậu thực sự không nỡ tống cổ An đi theo cái cách mà cậu đã làm với lũ bạn lúc trước. Ngặt nỗi bà cậu lại quá khó tính và rất có ác cảm với cậu cũng như những thứ liên quan tới cậu. Đang lúc phân vân, lưỡng lự thì tiếng bà nội từ sau lưng vang lên:
“Thằng kia, khách tới chơi mà mày lại đuổi về là làm sao?”
*“cảnh đắt giá trời cho”: Trích trong bài “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu.