171. Có lẽ con người khác biệt với bất kỳ loài sinh vật nào nên mỗi người mới là độc nhất vô nhị như thế. Tôi thường nghĩ vớ vẩn, nghĩ đến những khoảnh khắc tương lai mà đâm ra lo lắng, có một nỗi sợ hãi tự nhiên với những điều chưa biết. Tôi chưa từng có mong đợi, chưa từng có niềm tin tràn ngập về tương lai giống như trong văn chương mô tả. Ba mươi năm sau tôi như thế nào, nghĩ cũng không dám nghĩ.
Rất lâu trước kia C Quân từng bắt đầu mỗi năm chụp một bộ ảnh, ghi lại năm tháng của chính mình. Cuối cùng ở năm 30 tuổi, cô ấy có người đồng hành trong bộ ảnh mới. Tôi rất mừng cho cô ấy.
Cô ấy là người nóng vội, trong vòng quan hệ bắt đầu lan truyền tin tức cô ấy kết hôn, nhóm wechat của đám bạn thời trung học nổ tung, ầm ĩ đòi biết mặt chồng sắp cưới của cô ấy.
Cô ấy ba hoa: “Mấy người tới đây tôi cho mượn ba ngày, để các cậu nhìn cho đã.”
Lớp trưởng cười: “Con trai tôi đã biết đi, cậu lại cho mượn chồng thì bọn tôi biến thành bọn nhóc thảm thương.”
Cả nhóm cười ầm lên.
Trong nhóm có người hỏi tôi: “Cố Tiểu Thanh, chồng sắp cưới của C Quân là thần thánh phương nào? Sao anh ấy có thể túm được cậu ta thế?”
Lớp trưởng lại tới nữa: “Cố Tiểu Thanh, năm trước gặp cậu vẫn dáng vẻ như lúc mười mấy tuổi, sao mà không thay đổi gì hết vậy.”
Lời này của ngài.
“Tôi đã là nửa 60 rồi, sau này không thể lấy chuyện trẻ ra mà nói…”
Yên tĩnh nửa phút, nhóm lại phá lên cười.
Lớp trưởng thong thả: “Tôi còn lớn hơn cậu 1 tuổi…”
172. Tôi không có nhiều kỷ niệm với những bạn học cấp 3 của mình, cũng rất ít người biết chuyện cũ của tôi, mà tôi cũng chỉ là người qua đường Giáp với chuyện xưa của người khác. Bảy tám mươi người, mỗi người có những câu chuyện riêng của mình, tôi là người qua đường Giáp trong câu chuyện này, nhưng lại có thể là vai phụ trong câu chuyện của Ất.
Thời cấp ba trong khối có mấy đôi tình nhân, nhưng cuối cùng đều không thành. Chỉ có cô bạn năm ngoái kết hôn với em họ Từ tiên sinh xem như là đôi duy nhất thành trong khối chúng tôi thời trung học.
Trong suy nghĩ của tôi, hôn nhân rất mơ hồ, tôi không thể hình dung ra một hôn nhân lý tưởng sẽ như thế nào, luôn cảm thấy đó là một dạng thói quen không cần nói cũng biết, là sự ăn ý quen thuộc. Hoặc có thể nói đó là một loại quy ước tự giác ràng buộc kiềm chế lẫn nhau một cách có ý thức.
Nhưng ngẫm lại, trách nhiệm ngoài hôn nhân còn lớn hơn bản thân trách nhiệm cuộc hôn nhân đó.
173. Sau khi thay đổi công việc, khối lượng công việc của tôi tăng lên gấp đôi, từ trưa chạy tới tối. Buổi sáng tôi mang đồ ăn sáng đến văn phòng, trước đây vì tim đập nhanh nên tôi kiêng café, nhưng dạo này thật sự quá mệt nên buổi sáng chỉ có thể uống café. Cấp trên nhìn thấy bữa sáng của tôi, tôi lịch sự mời anh ta, anh ta yên lặng: “Sức khỏe tôi không bằng cô nên không dám ăn thế này.”
Nhưng mà tăng ca một ngày một đêm, còn họp hành đến tận nửa đêm, sức khỏe anh kém hơn tôi chỗ nào?
Họp xong, lưng tôi đau dữ dội, cổ cứng đờ sửa kế hoạch lại. Từ tiên sinh điện thoại đến đúng lúc: “Em đang ở đâu?”
Một tuần rồi tôi không gặp anh, tôi tăng ca đến nửa đêm, anh thì không đi công tác thì là tăng ca.
Tôi hình dung nếu kết hôn, hai người giống như chơi mèo bắt chuột, không ai thấy ai, rất kích thích.
174. Từ tiên sinh đến đón tôi, lúc lên xe tôi choáng váng bị đụng một cái, cơn choáng tầm mười giây. Tôi ngồi bên ghế phụ, nghiêng vai nhìn ra bên ngoài, vẫn còn chóng mặt, lần này kéo dài hơn trước. Từ tiên sinh không chú ý, vừa lái xe vừa hỏi tôi: “Dự án của em…”
Nói nửa chừng thì hỏi tôi: “Em bị đau lưng à?”
Tôi nói nhanh: “Hơi hơi.”
Từ tiên sinh liếc nhìn tôi, không nói gì. Tôi nghiêng người nhìn anh, dáng vẻ quá bắt mắt, trước đó đồng nghiệp anh có gặp chúng tôi, ngạc nhiên nói với tôi: “Tôi nghĩ anh ấy thuộc nhóm không kết hôn.”
Anh giống người thuộc tuýp không hết hôn chỗ nào?
Đồng nghiệp nói đầy ẩn ý: “Trong ngành anh ấy được mệnh danh là Prefect Từ. Chúng tôi đều cảm thấy anh ấy không cần bạn đời, có thể tự yêu bản thân, nói cho cùng thì…” vừa nói vừa vẽ vẽ trên mặt.
Tôi che miệng cười. Tôi vẫn biết diện mạo anh rất đẹp, không ngờ trong mắt đồng nghiệp anh lại đẹp đến mức ấy.
Nghe vậy có phần tiếc cho anh…
175. Tôi hơi buồn nôn, cố gắng cầm cự được nửa đường, ngất hai lần, mỗi lần kéo dài không đến hai phút, lần cuối cùng thấy choáng váng.
Sau đó thì bắt đầu buồn nôn, tôi xuống xe ngay lập tức, ngồi xổm bên vệ đường nôn thốc nôn tháo, nôn đến dạ dày bỏng rát.
Từ tiên sinh đợi tôi nôn xong thì đưa thẳng đến bệnh viện.
Bác sĩ trực đêm kiểm tra thông thường, hỏi tôi tiền sử bệnh, anh ta không nói được nguyên nhân cụ thể là vì sao mà chỉ nói do ăn uống không điều độ, hơn nữa buổi sáng còn bụng rỗng uống cà phê, thể chất không tốt, phải chú ý chăm sóc dạ dày.
Trong khoảng thời gian đó Từ tiên sinh không nói một lời. Lại nổi giận.
Tôi thật không thể dỗ anh, tính tình anh nóng nảy, giận thì không nói một lời, chỉ lạnh lùng liếc mắt một cái là tôi sợ hãi.
Tôi sợ nhất là anh nhìn tôi bằng ánh mắt lạnh lùng thất vọng đó.
Sau khi về nhà anh gọi điện thoại trước mặt tôi, xin nghỉ chuyến công tác tối nay.
Tôi không biết đêm nay anh có chuyến bay sang Hong Kong.
Anh nấu cháo cho tôi, ấn tôi ngồi lên ghế rồi ngồi đối diện, yên lặng nhìn tôi không nói lời nào.
Hình như tôi chột dạ.
176. Anh nói: “Anh biết em không có cảm giác an toàn, em chưa từng nghĩ đến việc kết hôn. Anh biết hết. Nhưng em không thể hủy hoại thân thể của mình. Em không thua kém bất kỳ ai, không cần phải liều mạng làm việc để chứng minh.”
Tôi không nhấc nổi chiếc thìa lên.
Anh lại nói: “Anh chấp nhận mọi quyết định của em, chỉ cần em nói với anh. Anh không thể chịu đựng được việc em giấu anh. Công việc chỉ là công việc, sức khỏe em không chịu nổi sự giày vò như vậy, em có hiểu không?” Có phần lạnh lùng sắc bén.
Không phải lúc nào chúng tôi cũng có cùng nhận thức về cảm giác an toàn của nhau.
Tôi muốn nuôi ba mẹ, tôi muốn có thành tựu trước khi kết hôn. Tôi muốn giỏi giang như anh, để mẹ anh không xem thường tôi như thế. Tôi muốn dùng hết khả năng của mình để có được thân phận xứng đôi với anh. Sau khi kết hôn, ba mẹ tôi sẽ không quá câu nệ, có thể tự hào, thẳng thắn nhận lời chúc phúc của bạn bè thân thích.
Tôi muốn quá nhiều, nhưng lại không thể nói với anh một câu nào.
177. Tôi không nói, có lẽ anh thất vọng, nhìn tôi uống thuốc rồi quay vào phòng, không quay ra.
Tôi còn phải làm thêm, ngồi trên tấm thảm trước sô pha, kiểm tra mail mãi đến khuya.
Tình cảm đến lúc nào đó sẽ phải đối mặt với những vấn đề vụn vặt, tôi cố gắng lảng tránh hết sức, chỉ cần thời gian.
Tuy rằng anh tốt tính nhưng tính cách có phần bướng bỉnh, tôi chỉ xem như là cảm xúc nhỏ của anh, đa phần không để ý.
Không ngờ cứ thế mà chúng tôi yên lặng nửa tháng.
Đây là lần mâu thuẫn đầu tiên giữa chúng tôi từ khi yêu nhau.
Tôi không có cách nào phân thân, không có thời gian dỗ dành anh, thậm chí không nghĩ ra được nói thế nào.
Thời gian đó anh đi công tác một lần, sau khi về chúng tôi vẫn không liên lạc như trước. Hai người ăn ý mỗi ngày dán lịch trình của mình lên wechat, nhưng không nói tiếng nào.
Đang tăng ca đến nửa đêm thì đột ngột nhận được điện thoại của ba, mẹ nhập viện.
Tôi sợ tới mức hồn phi phách tán.
Bà đi đưa đồ ăn cho chị, trên đường về bị xe đâm trúng, gãy chân trái.
Sức khỏe bà không thật tốt, đến bệnh viện rồi tôi mới nhận ra chân mình luôn run lẩy bẩy.
Ba tôi cũng bị dọa, thấy tôi đến thì phá lệ mà hết sức lệ thuộc vào tôi. Đồ đạc không có thứ gì, tôi chạy đi siêu thị mấy lần, chờ sắp xếp xong thì đã nửa đêm. Tôi để ba nằm bên giường bên cạnh nghỉ ngơi, tôi đi bàn bạc với bác sĩ ấn định thời gian phẫu thuật.
Sắp xếp mọi việc xong xuôi thì trời đã tờ mờ sáng.
Mẹ rất đau, ngủ chập chờn, tôi ghé vào cạnh bà dỗ dành: “Sáng nay phẫu thuật, con ở đây, ba cũng ở đây. Tí nữa con mua đồ ăn sáng cho mẹ nhé, mẹ muốn ăn gì?”
Bà hé mắt, nói lơ mơ: “Mua tạm cái gì cũng được, con đừng nói với chị.”
Tôi vâng dạ đồng ý với bà.
Chị tôi bỗ bã, tính tình thẳng tuột, cơ bản là không biết chút gì về việc nhà. Mẹ không trông cậy gì vào chị, trong lòng bà thấy tôi làm gì cũng cẩn thận, quen với việc cần gì đều kêu tôi.
Trước khi phẫu thuật bác sĩ đến kiểm tra, bà hỏi ba đâu, tôi bảo ông về nhà nghỉ ngơi, đến tối thì vào thay tôi.
Bà sợ hãi, tôi chỉ có thể nắm tay ở cùng bà.
Phẫu thuật mất 5 giờ, khi bà ra đến ngoài thì còn mê, bác sĩ bảo: “Sau khi bà ấy tỉnh lại thì gọi chúng tôi đến kiểm tra.”
Trong phòng có hai người đều là người lớn tuổi, con cái chăm bệnh.
Mẹ tỉnh là hỏi ngay: “Chị con không biết chứ?”
Tôi dỗ bà: “Không biết, con đảm bảo đến khi mẹ xuất viện chị vẫn không biết, được không?”
Thuốc mê hết tác dụng thì bà bị đau, tôi ôm bà nằm nghiêng, dỗ bà uống nước, để bà lẩm bẩm kể chuyện về ba, rồi bà mơ màng chìm vào giấc ngủ.
Tôi không ngủ gần 30 tiếng, dựa vào tường bên ngoài phòng bệnh nghỉ ngơi.
Mở mắt ra Từ tiên sinh đứng ngay trước mặt.
Anh đau lòng nhìn tôi: “Em xem em thành bộ dạng gì rồi? Sao em không biết thương bản thân mình vậy?”
Tôi mím đôi môi khô khốc, mỉm cười với anh.
Xem ra anh không còn giận nữa. Tôi thật sự không thể lo nhiều đến vậy được, nếu anh còn giận thì tôi chỉ đành để anh thế mấy ngày nữa, đợi tôi bận bên này xong mới có sức mà đi dỗ dành anh.